Thuế Thu Nhập Cá Nhân Là Gì? Ai Phải Đóng? Mức Đóng?

Gia Đình HR Tác giả Gia Đình HR 18/11/2024 17 phút đọc

 

Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) là một trong những loại thuế quan trọng mà mỗi cá nhân có thu nhập đều cần nắm rõ. Việc hiểu đúng và đủ về thuế TNCN không chỉ giúp bạn đảm bảo tuân thủ pháp luật, mà còn giúp tối ưu hóa quyền lợi và nghĩa vụ tài chính của mình.   

Bài viết này, Gia Đình HR sẽ giải thích chi tiết về thuế thu nhập cá nhân, từ đối tượng chịu thuế, mức đóng, đến cách tính toán cụ thể, nhằm mang đến cái nhìn toàn diện cho người lao động và các cá nhân có nguồn thu nhập khác nhau.  

thue-tncn-1

1. Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) là gi?  

Thuế thu nhập cá nhân là khoản tiền mà cá nhân phải nộp cho nhà nước dựa trên thu nhập mà họ kiếm được từ các nguồn khác nhau như lương, kinh doanh, đầu tư hay thu nhập từ các nguồn tài sản khác.   

Thuế này được quy định nhằm đảm bảo sự công bằng trong đóng góp vào ngân sách nhà nước, giúp duy trì và phát triển các dịch vụ công cộng, phúc lợi xã hội và các hoạt động khác của nhà nước.  

Tại khoản 1 Điều 2 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 có quy định như sau:  

Đối tượng nộp thuế  

1. Đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân là cá nhân cư trú có thu nhập chịu thuế quy định tại Điều 3 của Luật này phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam và cá nhân không cư trú có thu nhập chịu thuế quy định tại Điều 3 của Luật này phát sinh trong lãnh thổ Việt Nam.  

...  

Và tại Điều 1 Thông tư 111/2013/TT-BTC, được sửa đổi bởi Điều 2 Thông tư 119/2014/TT-BTC có quy định như sau:  

Người nộp thuế  

Người nộp thuế là cá nhân cư trú và cá nhân không cư trú theo quy định tại Điều 2 Luật Thuế thu nhập cá nhân, Điều 2 Nghị định số 65/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân (sau đây gọi tắt là Nghị định số 65/2013/NĐ-CP), có thu nhập chịu thuế theo quy định tại Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân và Điều 3 Nghị định số 65/2013/NĐ-CP.  

Phạm vi xác định thu nhập chịu thuế của người nộp thuế như sau:  

Đối với cá nhân cư trú, thu nhập chịu thuế là thu nhập phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam, không phân biệt nơi trả thu nhập;  

Đối với cá nhân là công dân của quốc gia, vùng lãnh thổ đã ký kết Hiệp định với Việt Nam về tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với các loại thuế đánh vào thu nhập và là cá nhân cư trú tại Việt Nam thì nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân được tính từ tháng đến Việt Nam trong trường hợp cá nhân lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam đến tháng kết thúc hợp đồng lao động và rời Việt Nam (được tính đủ theo tháng) không phải thực hiện các thủ tục xác nhận lãnh sự để được thực hiện không thu thuế trùng hai lần theo Hiệp định tránh đánh thuế trùng giữa hai quốc gia.  

Đối với cá nhân không cư trú, thu nhập chịu thuế là thu nhập phát sinh tại Việt Nam, không phân biệt nơi trả và nhận thu nhập  

….  

KẾT LUẬN: Theo đó, thuế thu nhập cá nhân là một khoản nộp ngân sách nhà nước bắt buộc đối với cá nhân khi có thu nhập tính thuế.  

Đối tượng phải nộp thuế thu nhập cá nhân là cá nhân cư trú và cá nhân không cư trú có thu nhập chịu thuế phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam theo quy định.  

2. Đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân  

Theo Điều 2 Luật Thuế TNCN sửa đổi năm 2012, hai nhóm đối tượng có trách nhiệm nộp thuế thu nhập cá nhân bao gồm:  

(1) Cá nhân cư trú  

Nhóm này bao gồm những người lao động có chỗ ở thường xuyên hoặc thuê nhà tại Việt Nam trong thời gian từ 183 ngày trở lên trong năm tính thuế. Ngoài ra, trường hợp cá nhân có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trong khoảng thời gian 12 tháng liên tiếp cũng được xem là cá nhân cư trú. Đối với cá nhân cư trú, nghĩa vụ thuế sẽ phụ thuộc vào thời hạn hợp đồng lao động:  

Cá nhân ký hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên: Nộp thuế thu nhập cá nhân định kỳ.  

Cá nhân ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng hoặc không có hợp đồng lao động: Nộp thuế với mức tính khác so với hợp đồng dài hạn.  

(2) Cá nhân không cư trú  

Cá nhân không cư trú là những người không đáp ứng điều kiện về thời gian cư trú theo luật, thường là người nước ngoài làm việc ngắn hạn tại Việt Nam. Những người này sẽ chịu thuế thu nhập cá nhân với mức thuế khác biệt so với cá nhân cư trú.  

>>> Xem thêm:   

3. Khi nào phải đóng thuế thu nhập cá nhân?  

Căn cứ Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007, thuế TNCN là một khoản nộp ngân sách nhà nước bắt buộc đối với cá nhân khi phát sinh thu nhập tính thuế theo quy định của pháp luật thuế TNCN.  

Căn cứ tại Điều 21 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 (sửa đổi 2012), Điều 1 Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14 quy định về mức giảm trừ gia cảnh, điểm i khoản 1 Điều 25 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định về khấu trừ thuế TNCN và Điều 4 Thông tư 40/2021/TT-BTC.  

Theo đó, cá nhân không có người phụ thuộc thì phải nộp thuế thu nhập khi có tổng thu nhập từ tiền lương, tiền công trên 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm) sau khi đã trừ các khoản đóng đóng bảo hiểm bắt buộc theo quy định và các khoản giảm trừ (từ thiện, nhân đạo và các khoản tiền được miễn thuế khác).  

Ngoài ra, tại điểm i khoản 1 Điều 25 Thông tư 111/2013/TT-BTC, một số trường hợp cá nhân không ký hợp đồng lao động hoặc ký hợp đồng lao động dưới 03 tháng, có tổng mức trả thu nhập từ 2 triệu đồng/lần trở lên thì sẽ phải đóng thuế TNCN. Lưu ý: Cá nhân nếu có thu nhập tính thuế theo quy định với mỗi khoản thu nhập sẽ có quy định riêng.  

Đặc biệt, thuế TNCN không chỉ áp dụng với cá nhân mà còn áp dụng với hộ kinh doanh. Cụ thể: Hộ, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm dương lịch trên 100 triệu đồng sẽ phải nộp thuế TNCN theo quy định.  

4. Mức đóng thuế thu nhập cá nhân   

Mức đóng thuế thu nhập cá nhân (TNCN) được xác định dựa trên thu nhập tính thuế của cá nhân, sau khi đã trừ đi các khoản giảm trừ theo quy định của pháp luật.   

muc-dong-thue-thu-nhap-ca-nhan-2

Cách tính thuế cụ thể phụ thuộc vào nguồn thu nhập và phương pháp tính thuế tương ứng.  

4.1. Thu nhập từ tiền lương, tiền công  

Thuế TNCN được áp dụng theo biểu thuế lũy tiến từng phần với 7 bậc thuế, từ 5% đến 35%, tùy thuộc vào mức thu nhập chịu thuế. Thu nhập chịu thuế được xác định bằng cách lấy tổng thu nhập từ lương hoặc công việc khác, trừ đi các khoản giảm trừ bao gồm:  

Giảm trừ gia cảnh: 11 triệu đồng/tháng cho bản thân người lao động và 4,4 triệu đồng/tháng cho mỗi người phụ thuộc.  

Bảo hiểm bắt buộc: Các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định.  

Các khoản đóng góp hợp lệ: Từ thiện, nhân đạo, hoặc các khoản miễn thuế khác.  

4.2. Thu nhập không ký hợp đồng lao động hoặc ngắn hạn  

Đối với các cá nhân không ký hợp đồng lao động hoặc có hợp đồng lao động dưới 3 tháng, thuế được khấu trừ trực tiếp với mức 10% nếu tổng thu nhập mỗi lần chi trả từ 2 triệu đồng trở lên, mà không áp dụng giảm trừ gia cảnh.  

4.3. Thu nhập từ kinh doanh  

Hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên sẽ chịu thuế TNCN.  

Thuế được tính dựa trên doanh thu chịu thuế và tỷ lệ thuế suất tùy thuộc vào ngành nghề kinh doanh, thường dao động từ 0,5% đến 5%. 

4.4. Thu nhập từ đầu tư và chuyển nhượng tài sản  

Thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán: Thuế suất 0,1% trên tổng giá trị giao dịch.  

Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản: Thuế suất 2% trên giá trị chuyển nhượng.  

Lợi tức từ đầu tư vốn: Thuế suất 5% áp dụng trên số tiền nhận được.  

Mức đóng thuế cụ thể của từng cá nhân phụ thuộc vào từng loại thu nhập và mức giảm trừ được áp dụng theo quy định. Việc tính toán và nộp thuế đúng quy định giúp cá nhân thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước một cách minh bạch và hiệu quả.  

Trên đây là chi tiết thông tin về kiến thước cơ bản về thuế thu nhập cá nhân được Gia đình HR chia sẻ cụ thể. Hy vọng rằng những nội dung này hữu ích với bạn đọc!  

>>> Xem thêm: Học Hành Chính Nhân Sự Cho Người Mới Bắt Đầu – Lộ Trình Chi Tiết  

 

Gia Đình HR
Tác giả Gia Đình HR giadinhhrbtv
Bài viết trước Học Hành Chính Nhân Sự Cho Người Mới Bắt Đầu – Lộ Trình Chi Tiết

Học Hành Chính Nhân Sự Cho Người Mới Bắt Đầu – Lộ Trình Chi Tiết

Bài viết tiếp theo

Cách Tính Thuế Thu Nhập Cá Nhân: Công Thức Và Ví Dụ Cụ Thể

Cách Tính Thuế Thu Nhập Cá Nhân: Công Thức Và Ví Dụ Cụ Thể
Viết bình luận
Thêm bình luận

Bài viết liên quan

Thông báo