Mức Lương Tối Thiểu Vùng 2024: Thay Đổi Mới Từ 01/07/2024

Gia Đình HR Tác giả Gia Đình HR 19/07/2024 28 phút đọc

Mức lương tối thiểu vùng đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự công bằng giữa người lao động và các doanh nghiệp, tổ chức nhằm bảo vệ quyền lợi của cả hai bên. Từ ngày 01/07/2024, các điều chỉnh mới về mức lương tối thiểu vùng đã được công bố nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động. 

Những thay đổi về mức lương tối thiểu vùng không chỉ có tác động đến thu nhập của người lao động mà còn ảnh hưởng đến chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp và tình hình kinh tế chung của đất nước. Cùng Gia Đình Hr tìm hiểu trong bài viết dưới đây!

I. Những kiến thức về mức lương tối thiểu vùng

1. Mức lương tối thiểu vùng là gì?

Mức lương tối thiểu vùng là mức lương thấp nhất mà người sử dụng lao động phải trả cho người lao động làm công việc giản đơn trong điều kiện lao động bình thường theo quy định của pháp luật. 

Mức lương này được chính phủ quy định và điều chỉnh định kỳ dựa trên các yếu tố kinh tế xã hội như mức sống tối thiểu, chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế và mức tăng trưởng năng suất lao động.

Mỗi năm, Chính phủ sẽ xem xét và điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng dựa trên tình hình kinh tế, lạm phát và các yếu tố khác để đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động. Việc này được thực hiện thông qua các nghị định và thông tư cụ thể.

Theo đó, doanh nghiệp phải tuân thủ mức lương tối thiểu vùng khi trả lương cho người lao động. Việc này nhằm đảm bảo quyền lợi cơ bản cho người lao động, đồng thời tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Mức Lương Tối Thiểu Vùng 2024

2. Phân nhóm mức lương tối thiểu vùng

Ở Việt Nam, mức lương tối thiểu vùng được chia theo các vùng địa lý khác nhau, nhằm phản ánh sự khác biệt về chi phí sinh hoạt và điều kiện kinh tế xã hội của từng khu vực. 

Các vùng này thường được phân loại từ Vùng I đến Vùng IV, với Vùng I là khu vực có mức lương tối thiểu cao nhất do có chi phí sinh hoạt và mức sống cao hơn, còn Vùng IV là khu vực có mức lương tối thiểu thấp nhất.

  • Vùng I: Bao gồm các thành phố lớn và các khu vực phát triển kinh tế mạnh mẽ nhất.
  • Vùng II: Bao gồm các thành phố và thị xã có mức độ phát triển kinh tế khá.
  • Vùng III: Bao gồm các huyện và thị xã có mức độ phát triển kinh tế trung bình.
  • Vùng IV: Bao gồm các huyện vùng sâu, vùng xa, các vùng nông thôn và các khu vực có điều kiện kinh tế khó khăn, kém phát triển nhất.

Mỗi vùng sẽ có mức lương tối thiểu khác nhau để phù hợp với mức chi phí sinh hoạt tại đó. Quy định này nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động, đảm bảo mức sống tối thiểu và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế xã hội. 

Việc áp dụng mức lương tối thiểu vùng giúp bảo vệ quyền lợi của người lao động, đặc biệt là những người làm việc trong các ngành nghề có mức lương thấp và không có khả năng thương lượng về tiền lương.

3. Mục đích của việc thiết lập mức lương tối thiểu vùng

Mức lương tối thiểu vùng không chỉ đơn giản là một con số mà nó còn mang ý nghĩa rất lớn trong việc bảo vệ và cải thiện cuộc sống của người lao động, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội đồng đều và công bằng.

- Bảo vệ quyền lợi của người lao động: Mức lương tối thiểu giúp đảm bảo rằng người lao động nhận được một mức lương cơ bản đủ để trang trải các nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống, bảo vệ họ khỏi việc bị trả lương thấp quá mức.

- Giảm bất bình đẳng thu nhập: Mức lương tối thiểu giúp thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa các nhóm lao động, góp phần làm giảm bất bình đẳng xã hội và tăng cường công bằng kinh tế.

- Kích thích tiêu dùng: Khi người lao động có thu nhập tốt hơn, họ sẽ có khả năng chi tiêu nhiều hơn, từ đó thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trong nền kinh tế và hỗ trợ sự phát triển kinh tế.

- Đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh: Thiết lập mức lương tối thiểu giúp ngăn chặn việc doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh bằng cách trả lương thấp cho người lao động. Điều này thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư vào nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, dịch vụ.

- Khuyến khích làm việc và tăng năng suất lao động: Người lao động có động lực làm việc hơn khi họ được trả lương xứng đáng.

- Bảo vệ sức khỏe và an sinh xã hội: Một mức lương tối thiểu hợp lý giúp người lao động có điều kiện tốt hơn để chăm sóc sức khỏe, giáo dục và các nhu cầu xã hội khác, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm gánh nặng cho hệ thống an sinh xã hội.

- Tăng cường trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp: Việc áp dụng mức lương tối thiểu buộc các doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm hơn với người lao động và cộng đồng, thúc đẩy việc thực hiện các chính sách phát triển bền vững.

II. Quy định về mức lương tối thiểu vùng 2024 - Thay đổi mới từ 01/07/2024

Vào sáng ngày 20/12/2023, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã tổ chức cuộc họp lần thứ hai đầy quan trọng để bàn bạc và thống nhất phương án tăng lương tối thiểu vùng cho năm 2024.

Tất cả các thành viên của Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã tham dự và bỏ phiếu quyết định tăng mức lương tối thiểu vùng lên 6% cho năm 2024, có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia đánh giá rằng: “Mức tăng 6% là phù hợp trong bối cảnh người lao động chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp.”

Từ mức tăng lương tối thiểu vùng này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ tiếp tục tuyên truyền và khuyến khích người lao động nâng cao năng suất, đồng thời đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua những thử thách.

>>> Xem thêm:

Quy định về mức lương tối thiểu vùng 2024

Mức lương tối thiểu vùng áp dụng trong năm 2024 sẽ có 2 giai đoạn:

(1) Mức lương tối thiểu vùng năm 2024 trước ngày 01/7

Mức lương tối thiểu vùng giai đoạn trước 01/7/2024 cũng là mức lương tối thiểu vùng năm 2023 (áp dụng theo Nghị định số 38/2022/NĐ-CP ngày 12/6/2022) như sau:

Bảng mức lương tối thiểu vùng áp dụng từ 01/1/2024 - 30/6/2024

Vùng

Mức lương tối thiểu tháng

(Đơn vị: đồng/tháng)

Mức lương tối thiểu giờ

(Đơn vị: đồng/giờ)

Vùng I

4.680.000

22.500

Vùng II

4.160.000

20.000

Vùng III

3.640.000

17.500

Vùng IV

3.250.000

15.600

(2) Mức lương tối thiểu vùng năm 2024 từ ngày 01/7

Mức lương tối thiểu vùng từ ngày 01/7/2024 sau khi có sự điều chỉnh tăng 6% như sau:

Bảng mức lương tối thiểu vùng áp dụng từ 01/7/2024 - 30/6/2024


Vùng

Mức lương tối thiểu tháng

(Đơn vị: đồng/tháng)

Mức lương tối thiểu giờ

(Đơn vị: đồng/giờ)

Vùng I

4.960.000

23.800

Vùng II

4.410.000

21.200

Vùng III

3.860.000

18.600

Vùng IV

3.450.000

16.600

Sự điều chỉnh của mức lương tối thiểu vùng mới từ 01/7/2024 như sau:

  • Mức tăng thấp nhất là 200.000 đồng/tháng tương ứng với mức tăng ở vùng IV.
  • Mức tăng cao nhất là 280.000 đồng/tháng tương ứng với mức tăng ở vùng I.
  • Mức tăng lương tối thiểu tại vùng II là 250.000 đồng/tháng.
  • Mức tăng ở vùng III là 220.000 đồng/tháng.

III. Các địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu dự kiến thay đổi

Địa bàn phân vùng tuân thủ nguyên tắc cơ bản từ danh mục quy định hiện hành tại Nghị định 38/2022/NĐ-CP được điều chỉnh và cập nhật sau khi thực hiện sắp xếp lại địa giới hành chính theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 

Các điều chỉnh này cũng dựa trên những thay đổi về hạ tầng, mức độ phát triển thị trường lao động và vùng thu hút đầu tư, theo đề xuất của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Cụ thể:

(1) Điều chỉnh vùng II lên vùng I

Thị xã Quảng Yên, thị xã Đông Triều, thành phố Uông Bí, thành phố Móng Cái thuộc tỉnh Quảng Ninh.

(2) Điều chỉnh từ vùng III lên vùng II

  • Thành phố Thái Bình thuộc tỉnh Thái Bình.
  • Thành phố Thanh Hóa, thành phố Sầm Sơn, thị xã Nghi Sơn, thị xã Bỉm Sơn, thuộc tỉnh Thanh Hóa.
  • Thị xã Ninh Hòa thuộc tỉnh Khánh Hòa.
  • Thành phố Sóc Trăng thuộc tỉnh Sóc Trăng.

(3) Điều chỉnh từ vùng IV lên vùng III

  • Huyện Triệu Sơn, Thọ Xuân, Yên Định, Vĩnh Lộc, Thiệu Hóa, Hà Trung, Hậu Lộc, Nga Sơn, Hoằng Hóa, Nông Cống thuộc tỉnh Thanh Hóa.
  • Các huyện Thái Thụy, Tiền Hải thuộc tỉnh Thái Bình.
  • Huyện Ninh Phước thuộc tỉnh Ninh Thuận.

IV. Những lưu ý khi áp dụng mức lương tối thiểu vùng mới năm 2024

Khi áp dụng mức lương tối thiểu vùng mới năm 2024, các doanh nghiệp và người lao động cần lưu ý một số điểm quan trọng sau đây để đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật và bảo vệ quyền lợi của mình.

Những lưu ý khi áp dụng mức lương tối thiểu vùng mới năm 2024

(1) Địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng được quy định theo đơn vị hành chính cấp quận, huyện, thị xã và thành phố trực thuộc tỉnh.

(2) Cập nhật danh mục địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu thuộc vùng I, vùng II, vùng III và vùng IV được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định mới (trước ngày 01/7/2024 danh mục địa bàn áp dụng theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP ngày 12/6/2022).

(3) Khi thực hiện mức lương tối thiểu vùng doanh nghiệp không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm hoặc làm việc trong điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại. 

Bên cạnh đó, doanh nghiệp không được xóa bỏ chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với các chức danh nghề nặng nhọc, độc hại và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động.

(4) Những đối tượng chịu ảnh hưởng khi mức lương tối thiểu vùng năm 2024 thay đổi gồm có:

  • Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động.
  • Doanh nghiệp thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.
  • Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động.
  • Cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động (trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Nghị định này).

(5) Trách nhiệm của người sử dụng lao động

Sau khi tăng lương tối thiểu vùng năm 2024, nếu mức lương của người lao động vẫn thấp hơn mức đã tăng, người sử dụng lao động có trách nhiệm tuân thủ Điều 5 Nghị định 38/2022/NĐ-CP: 

  • Cần tổ chức rà soát lại các thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể và các quy chế, quy định của người sử dụng lao động để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với mức lương tối thiểu vùng mới.
  • Không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động.
  • Các nội dung đã thỏa thuận và cam kết trong hợp đồng lao động hoặc các thỏa thuận hợp pháp khác có lợi hơn cho người lao động so với quy định của Nghị định này vẫn tiếp tục được thực hiện, trừ trường hợp có các thỏa thuận khác giữa các bên.
  • Đồng thời, thực hiện điều chỉnh để phù hợp (nếu có) với Nghị định ban hành về việc tăng lương tối thiểu 2024.Điều này giúp đảm bảo rằng mọi điều khoản hợp đồng lao động đều được thực hiện theo đúng quy định và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động.

Trên đây là toàn bộ thông tin Gia Đình HR cập nhật mới nhất về mức lương tối thiểu vùng năm 2024, người lao động và người sử dụng lao động cần đặc biệt lưu ý để có những điều chỉnh phù hợp làm căn cứ trong đàm phán lương hoặc đóng các khoản bảo hiểm xã hội

Tuy nhiên lưu ý mức lương tối thiểu vùng chỉ là mức lương tối thiểu thấp nhất mà người lao động được hưởng. Doanh nghiệp có thể trả lương cao hơn mức lương tối thiểu vùng tùy theo năng lực, trình độ và nhu cầu của người lao động.

>>> Xem thêm:

 

Gia Đình HR
Tác giả Gia Đình HR giadinhhrbtv
Bài viết trước Nhân Viên Hành Chính Nhân Sự Là Gì? Làm Công Việc Gì?

Nhân Viên Hành Chính Nhân Sự Là Gì? Làm Công Việc Gì?

Bài viết tiếp theo

[Người Mới Bắt Đầu] Nên Học Hành Chính Nhân Sự Ở Đâu?

[Người Mới Bắt Đầu] Nên Học Hành Chính Nhân Sự Ở Đâu?
Viết bình luận
Thêm bình luận
Popup image default

Bài viết liên quan

Thông báo